Thẩm định giá trị doanh nghiệp

Dịch Vụ

 Thẩm định giá doanh nghiệp được xuất phát từ nhu cầu  khách quan về việc xác định giá trị của doanh nghiệp giúp các bên tham gia giao dịch có thể thỏa thuận với nhau về giá trị doanh nghiệp để phục vụ nhiều mục đích khác nhau như: mua bán, trao đổi, sáp nhập, đầu tư, góp vốn…, giúp các giao dịch về doanh nghiệp thành công, bảo đảm lợi ích chính đáng của các bên tham gia. Vì vậy, thẩm định giá doanh nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường.

1. Khái niệm thẩm định giá doanh nghiệp

Doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh. Theo Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29/11/2005.

Theo Tiêu chuẩn Thẩm định giá Quốc tế 2005: “Doanh nghiệp là một tổ chức thương mại, công nghiệp, dịch vụ hay đầu tư đang theo đuổi một hoạt động kinh tế”.

Thẩm định giá doanh nghiệp là việc ước tính giá trị của doanh nghiệp hay lợi ích của nó theo một mục đích nhất định bằng cách sử dụng các phương pháp thẩm định giá phù hợp. Quá trình này do thẩm định viên về giá tiến hành. Nói cách khác, thẩm định giá doanh nghiệp là quá trình đánh giá hay ước tính với độ tin cậy cao nhất về khoản thu nhập mà doanh nghiệp có thể tạo ra trong quá trình sản xuất kinh doanh.

2. Cơ sở giá trị của thẩm định giá doanh nghiệp

Cơ sở của giá trị doanh nghiệp trong định giá là giá trị sổ sách, giá trị thị trường, giá trị hợp lý, giá trị đầu tư, giá trị đang hoạt động, giá trị thanh lý…

  • Giá trị sổ sách: là giá trị toàn bộ tài sản của doanh nghiệp được phản ánh trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp theo phương pháp kế toán hiện hành.
  • Giá trị thị trường: là mức giá ước tính của tài sản tại thời điểm, địa điểm thẩm định giá, giữa một bên là người mua sẵn sàng mua và một bên là người bán sẵn sàng bán, trong một giáo dịch khách quan, độc lập, các bên tham gia hành động có một cách hiểu biết, thận trong và không bị ép buộc.
  • Giá trị hợp lý: là mức giá trao đổi ước tính của tài sản hoặc quyền tài sản được xác định giữa các bên có hiểu biết và có thiện chí, trong đó có tính đến những lợi ích tương ứng của các bên.
  • Giá trị đầu tư là giá trị của một tài sản đối với nhà đầu tư theo những mục tiêu đầu tư đã xác định.
  • Giá trị hoạt động kinh doanh liên tục: là một loại tài sản “động”, có xu hướng vận động và phát triển.
  • Giá trị thanh lý: là giá trị ước tính khi bán doanh nghiệp không còn tiếp tục hoạt động.

3. Các nguyên tắc thẩm định giá doanh nghiệp

Nguyên tắc thẩm định giá là quan điểm, quan niệm đã được thừa nhận một cách phổ biến và rộng rãi trong đời sống kinh tế xã hội; là những quy tắc, là tiêu chuẩn hành vi mà những người thẩm định giá phải tuân thủ trong quá trình thẩm định giá. Nguyên tắc chi phối đến hoạt động thẩm định giá doanh nghiệp, thường đề cập đến 6 nguyên tắc thẩm định giá cơ bản sau: (1) Nguyên tắc sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất; (2) Nguyên tắc cạnh tranh; (3) Nguyên tắc thay đổi; (4) Nguyên tắc cung cầu; (5) Nguyên tắc đóng góp; (6) Nguyên tắc dự kiến lợi ích tương lai

3.1. Nguyên tắc sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất

Mỗi tài sản có thể sử dụng vào nhiều mục đích và đưa lại các lợi ích khác nhau, nhưng giá trị chỉ được thừa nhận trong điều kiện sử dụng một cách tốt nhất và hiệu quả nhất. Như vậy để ước tính được giá trị doanh nghiệp một cách hợp lý cần phải đặt trong điều kiện doanh nghiệp sử dụng hợp lý các nguồn lực để tạo ra hiệu quả cao nhất và tốt nhất, việc thẩm định giá doanh nghiệp cần phải được phân tích và điều chỉnh nếu việc sử dụng thực tế hiện tại chưa phải là cao nhất và tốt nhất.

3.2. Nguyên tắc cạnh tranh

Nguyên tắc cạnh tranh trên thị trường được hiểu là hành vi của các chủ thể doanh nghiệp cùng loại trên thị trường, nhằm mục đích loại trừ hành vi tương ứng của các chủ thể doanh nghiệp khác, nhằm mục đích tối đa hóa lợi ích bản thân.

Lợi nhuận cao vượt trội sẽ thúc đẩy cạnh tranh, đồng thời, cạnh tranh quá mức có thể làm giảm lợi nhuận và cuối cùng có thể không còn lợi nhuận. Đối với tài sản, mối quan hệ cạnh tranh cũng được quan sát giữa các tài sản với nhau và giữa tài sản này với tài sản khác. Khi tiến hành thẩm định giá, thẩm định viên cần xem xét, đánh giá tác động của yếu tố cạnh tranh đến thu nhập của tài sản, đặc biệt khi sử dụng cách tiếp cận từ thu nhập để xác định giá trị của tài sản.

3.3. Nguyên tắc thay đổi

Là sự tác động của các điều kiện tự nhiên, kinh tế, nhà nước và pháp luật, xã hội và môi trường liên quan đến giá trị làm cho giá trị tài sản tăng lên, giảm đi. Giá trị của tài sản thay đổi theo sự thay đổi của những yếu tố hình thành và tác động đến giá trị của nó.

Giá trị của tài sản thay đổi theo sự thay đổi của những yếu tố hình thành và tác động đến giá trị của nó. Giá trị của tài sản cũng được hình thành trong quá trình thay đổi liên tục phản ánh hàng loạt các mối quan hệ nhân quả giữa các yếu tó ảnh hưởng đến giá trị. Bản thân các yếu tố ảnh hưởng đến gí trị luôn luôn thay đổi. Do đó, trong thẩm định giá doanh nghiệp, thẩm định viên phải năm được các nhân tố ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp, phân tích được mối quan hệ nhân quả giữa các nhân tố đó và phải đặt sự tương tác giữa các nhân tố này ở trạng thái động.

3.4. Nguyên tắc cung cầu

Căn cứ chủ yếu và phổ biến nhất của việc thẩm định giá trị tài sản nói chung và giá trị doanh nghiệp nói riêng là dựa vào giá trị thị trường. Giá trị thị trường của tài sản lại tỷ lệ thuận với yếu tố cầu và tỷ lệ nghịch với yếu tố cung. Chính vì vậy, thẩm định viên phải đánh giá được tác động của yếu tố cung cầu đối với các giao dịch trong quá khứ, hiện tại và dự báo được mỗi quan hệ này trong tương lai.

3.5. Nguyên tắc đóng góp

Trong nhiều tình huống, khi kết hợp nhiều tài sản nhỏ lẻ lại với nhau thì tổng giá trị của khối tài sản này sẽ cao hơn tổng giá trị của các tài sản đơn lẻ (theo lý thuyết hệ thống). Điều này lại đặc biệt quan trọng đối với doanh nghiệp, vì doanh nghiệp thường được cấu thành bởi nhiều tài sản (cả hữu hình và vô hình) nên khi thẩm định giá doanh nghiệp cần xem xét và tính toán toàn diện các tài sản này đồng thời phai đặt các tài sản này trong một thể thống nhất với nhau.

3.6. Nguyên tắc dự kiến lợi ích tương lai

Giá trị của doanh nghiệp có thể được đo lương bằng các khoản lợi ích tương lai mà doanh nghiệp mang lại. Chính vì vậy, thẩm định viên cần dự kiến được tất cả các khoản lợi ích tương lai, cũng như những kỳ vọng về tăng trưởng lợi ích và cả những rủi ro có thể xảy ra đối với các nhà đầu tư để làm cơ sở cho việc thẩm định giá doanh nghiệp.

Chia sẻ
Thẩm định giá trị doanh nghiệp Thẩm định giá trị doanh nghiệp Thẩm định giá trị doanh nghiệp
0903550499